Followers

Cười không chỉ là một liều thuốc bổ !

Người đăng: Mika Group Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009 0 nhận xét
Mùa Xuân thường mang lại niềm vui và những tiếng cười rộn rã trong mọi gia đình. Tiếng cười không chỉ giúp chữa bệnh, cải thiện nhiều chức năng sinh lý trong cơ thể mà còn xúc tiến bầu không khí hoà hợp và thân thiện trong cộng đồng
Cơ chế sinh học của tiếng cười
Có lẽ cười là một hình thức biểu lộ cảm xúc đặc trưng mà chỉ con người mới có. Rabelais, một đại văn hào Pháp ở thế kỷ XVI đã từng viết “Tiếng cười là đặc trưng của con người, là một yếu tố của sức khoẻ, một phương pháp trị bệnh”. Cười là một phản xạ tự nhiên. Con người sinh ra đã biết cười. Thăm dò cho thấy trẻ em cười từ 300 đến 400 lần mỗi ngày, trong khi người lớn thường chỉ cười khoảng 14 lần mỗi ngày. Tiếng cười dễ xuất hiện ở những người lạc quan hoặc có cuộc sống thoải mái. Ngược lại, tần suất cười sẽ thưa dần ở người vất vả hoặc có cuộc sống nhiều lo toan, căng thẳng. Khi có một tác nhân gây cười, tín hiệu sẽ được truyền lên não và phản xạ cười sẽ được chuyển đến các cơ vận động để làm chúng ta cười. Nhìn từ bên ngoài, cười là một hiện tượng co một số cơ chung quanh miệng và hai mắt để biểu lộ tình trạng thoải mái và sung sướng về tinh thần. Quan sát sâu hơn, khi tiếng cười thực sự phát ra, ngoài các cơ mặt còn có sự chuyển động của các cơ ngực, cơ vùng đáy chậu và đặc biệt là các cơ vùng bụng. Thử cười to và đặt một bàn tay vào bụng dưới, ta có thể cảm nhận dễ dàng những sự rung động của các cơ nầy. Mới đây, ông Yoji Kimura, một Giáo sư người Nhật đã tiến hành thí nghiệm gắn các máy cảm ứng lên vùng da bụng của những người đang cười để quan sát sự chuyển động của các cơ. Bằng cách phân tách số liệu liên quan đến sự chuyển động nầy, thiết bị sẽ cho biết mức độ và bản chất của tiếng cười. Cười thoải mái hay cười gượng ép, cười thân thiện hoà hợp hay cười nhạo báng, mỉa mai. Thực tế cho thấy khi cười lớn, lồng ngực nở rộng, dung tích phổi có thể tăng lên gấp hai lần so với bình thường, khí huyết lưu thông nhiều hơn, người nóng lên, da mặt hồng đỏ.
Hiệu quả tích cực của tiếng cười đối với sức khoẻ
Từ lâu, mọi nền y học đều công nhận tinh thần thoải mái và sự lạc quan luôn có ảnh hưởng tốt lên sức khỏe con người. Đối với tiếng cười, một biểu lộ “ra mặt” và tích cực của sự lạc quan thể hiện qua sự rung động của nhiều hệ cơ từ vùng mặt đến bụng dưới thì hiệu quả càng lớn hơn nhiều, nhất là đối với hệ thần kinh và hệ tim mạch. Tiếng cười là một hình thức vận động cơ thể có thể giảm stress, giảm đau và cải thiện nhiều chức năng sinh lý của cơ thể.
Bằng chứng thuyết phục đầu tiên về công dụng trị liệu của tiếng cười liên quan đến việc điều trị chứng viêm dính khớp đốt sống của ông Norman Causins, một phóng viên người Mỹ. Chứng bệnh làm ông đau nhức và không đi lại được. Ông đã kiên trì xem phim hài và đọc truyện trào phúng để tự trị bệnh. Kết quả là ông đã khỏi bệnh và có thể chơi thể thao như trước. Trong quyển sách Anatomy of all illness (1979), Causins khẳng định cười 10 phút có thể giúp ông ngủ yên giấc được 2 giờ đồng hồ. Quyển tự thuật
[i] quá trình lành bệnh của ông là một nguồn hứng khởi cho nhiều người trong việc ứng dụng tiếng cười và năng lượng tinh thần cho việc trị bệnh.
Bác sĩ William Fry, Giáo sư về tâm thần học trường Đại học Stanford đã từng nghiên cứu về tiếng cười trong 30 năm. Ông so sánh động tác cười như một hình thức chạy tại chỗ (inner jogging) và cho biết cười 100 lần một ngày tương đương với 10 phút vận động chèo thuyền
[ii]. Theo những nghiên cứu của ông, cười làm họat động các cơ toàn khắp cơ thể, mạch máu giãn nở và kích thích tuần hoàn huyết. Đối với hoạt động nội tiết, cười làm gia tăng sự phóng thích những nội tiết tố tích cực endorphin và serotonin. Endorphin là một chất giảm đau tự nhiên. Serotonin có tác dụng chống trầm cảm và mang lại các cảm giác hưng phấn, lạc quan. Do đó, tính hài hước và tiếng cười đặc biệt có khả năng cải thiện các điều kiện tâm lý. Herbert Lefcourt, nhà tâm lý học tại trường Đại học Waterloo cũng cho rằng tính hài hước và tiếng cười làm dịu đi các cảm xúc tiêu cực[iii].
Hoạt động cơ bắp do tiếng cười mang lại làm gia tăng khả năng chuyển hoá. Nghiên cứu của Giáo sư Buchowski, người Anh, cho biết cười gia tăng tốc độ đốt mỡ. Cười từ 10 đến 15 phút có thể tiêu thụ thêm 20% calori so với người bình thường. Cười còn làm gia tăng sự tiết mật, tăng sự co bóp của dạ dày và ruột, nên cũng ảnh hưởng tốt đến tiêu hoá và bài tiết.
Đối với hoạt động miễn nhiễm, những nghiên cứu
[iv] của hai Tiến sĩ Lee Berk và Stanley Tan tại trường Đại học y Loma Linda ở California cho biết cười làm gia tăng tế bào bạch huyết, tế bào lympho T và B, qua đó tăng cường khả năng chống lại sự xâm nhập của các loại vi trùng gây bệnh.
Tiếng cười và bệnh tim mạch
Tiếng cười tác động đến nhiều bộ phận và cải thiện nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Tuy nhiên, hưởng lợi trực tiếp và đặc biệt nhất là tim mạch. Nụ cười và sự lạc quan luôn đi đôi với sự hoà hợp, thân thiện và lối sống cộng đồng. Những nghiên cứu của Bác sĩ Dean Ornish, một chuyên gia về bệnh tim người Mỹ cho biết những người thường sống cô độc hoặc hay âu sầu, buồn bã thường dễ mắc bệnh tim. Ngược lại, tính lạc quan và sinh hoạt cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng để các bệnh nhân tim mạch dễ phục hồi. Một báo cáo tại hội nghị tim mạch Hoa Kỳ ngày 7.3.2004 cho biết cười 10 phút có lợi ích cho sức khoẻ tim mạch ngang bằng với 3 lần tập thể dục, mỗi lần 30 phút. Nghiên cứu
[v] được tiến hành bởi Bác sĩ Michael Miller thuộc Trung Tâm Y khoa trường Đại học Maryland. Bác sĩ Miller đã cho 20 người tình nguyện tham gia thí nghiệm xem các đoạn băng của bộ phim hài King Pin. Trước và sau khi xem phim, những người nầy được kiểm tra dòng máu và độ giãn nở của động mạch nằm trong cánh tay qua sóng siêu âm. Kết quả cho thấy sau khi xem phim, mạch máu của 19 trong số 20 người giãn ra và dòng máu lưu thông linh hoạt hơn bình thường trong vòng từ 30 đến 45 phút sau đó. Ngược lại, khi những người nầy được xem những đoạn phim kinh dị, bạo lực trong phim chiến tranh Saving Private Ryan, mạch máu bị co thắt lại và lượng máu lưu thông giảm đi. Nói chung, lượng máu giảm 35% sau khi xem phim kinh dị và tăng 22% khi xem phim hài. Ông Miller cho rằng những cảm xúc căng thẳng rất có hại cho mạch máu. Ngược lại, tiếng cười có thể trung hoà bớt những cảm xúc tiêu cực trước đó. Để giải thích điều này, ông cho rằng tiếng cười làm cơ thể tiết ra chất nitric oxide, một chất hoá học tự nhiên làm giãn nở mạch máu. Theo nhóm nghiên cứu, tiếng cười có tác dụng làm cho các mô tạo thành lớp màng trong của mạch máu giãn nở và tăng dòng chảy. Lớp niêm mạc nầy cũng có tác dụng điều tiết lượng máu lưu thông, kiểm soát độ đông đặc của máu đồng thời tiết ra một số hoá chất để bảo vệ khi cơ thể bị thương tích, viêm nhiễm hoặc kích thích. Bác sĩ Mililler cũng cho biết những người bệnh tim thường ít cười hơn 40% so với những người cùng lứa tuổi mà không mắc bệnh. Họ thường ít nhận ra cơ hội để cười. Ngoài việc cười ít, họ còn là những người dễ hờn, dễ giận. Theo ông, để điều trị bệnh tim, ngoài việc giảm chất béo, vận động thân thể, ít ăn mặn, không hút thuốc thì liệu pháp hài là một liệu pháp bổ sung hữu ích cho những người nầy. Hãy lạc quan và sống cởi mở. Trong một quyển sách[vi] đã được xuất bản vào năm 1998, Bác sĩ Ornish đã viết một ý thoạt nghe rất hài hước nhưng khá ý nhị “Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn thôi”.
Tim mạch và việc lưu thông khí huyết có liên quan chặt chẽ với các chứng viêm khớp. Do đó, tác dụng giảm đau và cải thiện tim mạch của tiếng cười cũng tác động rất tích cực đối với chứng bệnh nầy. Trường hợp tự chữa viêm dính đốt sống của ký giả Causin là một thí dụ. Giáo sư Tề Quốc Lục, một ngưòi Mỹ gốc Hoa đã từng làm việc nhiều năm cho tổ chức Y Tế Thế Giới, một chuyên viên về lão khoa đã đi nhiều nơi để quảng bá về những bí quyết sống lâu, sống khoẻ. Khi nói về bệnh thấp khớp, ông nói “Nếu bạn bị viêm khớp, xin đừng lo. Cứ nhìn vào khớp mà cười ha hả một chốc là không đau nữa”. Một chứng bệnh mãn tính đã trải qua một quá trình lâu dài thì việc điều trị dứt điểm cũng phải cần những biện pháp tổng hợp cần thiết, kể cả vận động và chế độ ăn uống hợp lý. Tuy nhiên, liệu pháp cười luôn là một liệu pháp bổ sung hữu hiệu trong những trường hợp nầy.
Trên đây là những nghiên cứu của y học ngày nay về ảnh hưởng của tiếng cười và sự lạc quan đối với tim mạch. Thực ra, đối với y học phương Đông, điều nầy không phải là điều mới lạ. Sự lạc quan, thoải mái dễ dẫn đến tâm bình, khí hòa là điều kiện cơ bản của các phương pháp duỡng sinh. Ngoài ra, y học cổ truyền cho rằng mỗi loại cảm xúc hoặc âm vận liên quan đến một một loại khí, một hành hoặc một phủ tạng nhất định trong cơ thể. Chẳng hạn, buồn bả, u sầu thuộc Phế; vui vẻ, lạc quan thuộc Tâm. Động tác ho là tiếng của Phế thì cười là tiếng của Tâm, hoặc hô là âm vận thuộc tạng Tỳ thì A hoặc Ha là một âm vận liên quan đến khí hoá của Tâm hoặc tim mạch. Do đó trong “Lục tự khí công
[vii]”, âm A, Ha hoặc Kha là âm đặc trưng của tiếng cười đã được sử dụng để chữa những chứng bệnh liên quan đến Tâm hoặc tim mạch. Tuy nhiên tiếng cười vẫn có những giới hạn. Đông y cho rằng một loại cảm xúc thái quá có thể phương hại đến khí hoặc tạng có liên quan. Sự vui vẻ, thoải mái luôn luôn có lợi cho sức khoẻ nhưng những tràng cười lớn và sự phấn khích thái quá là một hình thức vận động mạnh có thể gây nguy hiểm cho những người đau thắt ngực không ổn định, suy tim nặng hoặc có áp huyết cao trên 180/10mmHg. Quá trình thư giãn do tiếng cười mang lại là quá trình từ cực dương chuyển sang âm. Ở những tràng cười quá phấn khích, trước khi giãn mạch và huyết áp hạ xuống là một giai đoạn ngắn – khi tiếng cười phát ra – nhịp tim tăng và nhu cầu dưỡng khí tại cơ tim cũng tăng, nên có thể gây nguy hại cho những trường hợp trên.
Liệu pháp cười trong điều trị lâm sàng
Sau thảm hoạ sóng thần Tsunami, người ta thấy một chú hề thường đến các phòng bệnh ở các bệnh viện thuộc Srilanka để thăm viếng và chăm sóc các bệnh nhân, những người sống sót sau thảm hoạ đang được điều trị tại đây. Đó là Tiến sĩ Hunter Patch Adams, một người Mỹ đã có tham vọng đi vòng quanh trái đất để thay đổi thế giới bằng tình yêu và tiếng cười. Ông nói “Tiếng cười là phương pháp điều trị tôt nhất”.
Cho đến nay, sự hài hước và tiếng cười đã được sử dụng rộng rãi để làm giảm đau trong các chứng viêm khớp và bệnh ung thư, hai loại bệnh có cường độ đau cao hơn so với các chứng bệnh khác. Nhiều nghiên cứu
[viii] cho thấy cười có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau và gia tăng cảm giác thoải mái cho người bệnh. Causins thì cho rằng “Cười giúp người bệnh có khả năng chịu đựng và tự điều chỉnh tốt hơn”. Trong bối cảnh của những bệnh viện, những chương trình tạo tiếng cười được thực hiện dưới những hình thức thư viện hài, xe diễn lưu động hoặc những chương trình chăm sóc của những diễn viên hề, những chuyên viên về liệu pháp cười được đào tạo riêng cho chương trình nầy. Thư viện hài (humour room) có thể được trang bị nhiều loại sách báo, tranh ảnh gây cười, những poster hài, những băng cassette hoặc video về những chuyện vui nhộn. Tại Alta Vista Lodge, một cơ sở điều trị ung thư thuộc bệnh viện Ottawa Civic, thư viện hài mở cửa phục vụ bệnh nhân 24/24. Đi xa hơn, một số nơi đã sử dụng hệ thống thu phát hình để chuyển tải những chương trình gây cười đến tận các phòng bệnh. Ngoài ra, khi người bệnh bị cách ly hoặc bất động, những xe đẩy được trang bị đầy đủ những phương tiện có thể tạo nên tiếng cười cũng có thể tiếp cận tận giường bệnh. Tại Bệnh viện Nhi British Columbia, người ta có thể nhìn thấy những quần áo sặc sỡ, đồ trang điểm, những hình nộm, con rối và nhiều hoạt cụ vui nhộn khác. Không phải nói, những trẻ em sẽ khao khát và thích thú như thế nào khi được chơi đùa, thưởng thức hoặc riêng lẻ hoặc sinh hoạt nhóm với những hoạt cụ nầy. Hãy thử hình dung cảnh các em đang phấn khích cười đùa hoặc chọc cười nhau ngay cả với các bác sĩ, y tá. Không còn đau nhức, sợ hãi hoặc lo lắng. Không có ranh giới giữa người bệnh và thầy thuốc. Giữa họ đang phát triển tình thương và tính cộng đồng.
Một hình thức khác của các chương trình hỗ trợ điều trị lâm sàng là những đợt thăm viếng và chăm sóc bệnh nhân định kỳ được thực hiện bởi những chuyên viên hề chuyên nghiệp về liệu pháp cười qua vai trò các bác sĩ hoặc điều dưỡng. Nổi tiếng nhất là hoạt động của đơn vị “The Big Apple Circus Clown Care Unit”
[ix]. Thông qua đơn vị nầy, những chuyến chăm sóc và điều trị ba ngày mỗi tuần của các chuyên viên ở đây được cử đều đặn đến các bệnh viên thuộc khu vực New York cũng như tất cả các bệnh viện nhi trên toàn khắp nước Mỹ.
Cười giúp xúc tiến không khí hoà hợp và thân thiện
Tiếng cười thơ ngây của đứa trẻ có thể xua tan những bất hoà, căng thẳng giữa hai vợ chồng. Nụ cười thân thiện trong một buổi họp có thể làm dịu đi những tranh chấp và xúc tiến tinh thần hợp tác của các bên. Ngày nay, trong bối cảnh nhịp sống nhanh của thời đại công nghiệp hoá, stress làm gia tăng sự mệt mỏi, gia tăng tỷ lệ số ngày nghỉ bệnh ở một bộ phận nhân viên. Quan trọng hơn, stress làm giảm năng lực sáng tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giao tiếp và làm xấu đi hình tượng của cá nhân hoặc tập thể trước mắt đồng sự, đối tác hoặc công chúng. Tạo dựng nụ cười là biện pháp đơn giản để đối trị lại tình trạng nầy. Tại Việt Nam, dù có tiếng là một dân tộc lạc quan, hay cười, cũng không tránh khỏi thiếu vắng nụ cười ở những nơi mà nhịp độ làm việc quá căng thẳng như hải quan, bệnh viện... Đó cũng là lý do khiến nhiều nơi đã phải nhắc nhở các nhân viên của mình phải thường xuyên giữ được nụ cuời trong khi làm việc. Ở phương Tây, nhiều tổ chức đã được lập ra nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, huấn luyện cho các cơ quan, xí nghiệp về những phương cách để có được bầu không khí hài hước, vui vẻ, thân thiện vừa giúp tăng năng suất vừa nâng cao tính đồng đội trong nhân viên. Đặc biệt, một nghiên cứu mới đây của Giáo sư Mark Van Vugt thuộc trường Đại học Kent, Mỹ còn cho biết tâm trạng thoải mái do tiếng cười mang lại còn xúc tiến sự hợp tác và lòng vị tha
[x], khiến cho con người dễ mở tấm lòng và cả mở hầu bao để chia sẽ với người khác và với cộng đồng. Ông nói “Nghiên cứu nầy có thể gợi ra những hình thức mới giúp các tổ chức từ thiện động viên thêm được nhiều sự đóng góp hơn.”
Tiếng cười và sự lạc quan của người Việt
Vào đầu thế kỷ XX, một bài khảo luận của ông Nguyển Văn Vĩnh liên quan đến tiếng cười của người Việt chúng ta đã được đăng trên tờ Đông Dương Tạp chí. Bài báo có tựa đề “Gì cũng cười”. Ông viết “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng cười một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.” Ông là một nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng, học rộng, biết nhiều, nên điều nhận xét trên hẳn phải có căn cứ. Dù có ý chê trách nhưng ông cũng đã xác nhận dân ta rõ là có tính lạc quan, hay cười. Có lẽ chính nhờ tính cách lạc quan nên nhân dân ta mới có đủ nghị lực và niềm tin vượt qua nhiều gian khó và thăng trầm của lịch sử, không những giữ được nước mà còn mở rộng bờ cõi cho đến hôm nay.
Theo những nghiên cứu của các nhà tâm lý học, tính lạc quan thường đi chung với hoà hợp và dễ tha thứ. Thực tế nầy là do cơ chế đối lập 2 mặt giữa 2 bán cầu não trái và phải. Những cảm xúc lạc quan, thoải mái, hoà hợp, dễ tha thứ đều bị chi phối bởi cùng một bán cầu não trái. Người nào có bán cầu não trái hoạt động nhiều hơn sẽ dễ có những cảm xúc tích cực, dễ lạc quan tha thứ. Ngược lại nếu có bán cầu não bên phải chiếm ưu thế hơn sẽ dễ bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực như sợ hải, thù hận hoặc lo lắng căng thẳng.
Hiếm có một dân tộc nào mà có sự hoà hợp và không phân biệt giữa hàng mấy chục sắc tộc anh em như dân tộc chúng ta. Cũng hiếm có dân tộc nào sẵn sàng mở rộng vòng tay và nụ cười để chào đón thân thiện kẻ thù sau chiến tranh như chúng ta. Phải chăng đa số người Việt khi sinh ra đã may mắn có được sự thiên thắng của bán cầu não trái so với bán cầu não phải?
Nói người Việt lạc quan không chỉ là ta khen dân ta theo kiểu “mẹ hát con khen hay”. Một nghiên cứu được công bố gần đây của tổ chức các nền kinh tế mở (NEF) đã xếp Việt Nam đứng thứ 12 trên toàn cầu và là quốc gia đứng đầu (hạnh phúc nhất) ở châu Á! Bảng đánh giá, xếp hạng nầy căn cứ vào một số tiêu chuẩn như sự bằng lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình, yếu tố môi trường. Như vậy người Việt lạc quan, hay cười không phải là một nhận định cảm tính. Tiếng cười và sự lạc quan có ích cho sức khoẻ, hạnh phúc và dễ mang lại một không khí hoà hợp trong cộng đồng. Tuy nhiên lạc quan quá mức chưa chắc là một điều tốt. Lạc quan đến nỗi ăn uống, chè chén say sưa không cần nghĩ đến hậu quả. Lạc quan đến nỗi chạy xe lạng lách quá thoải mái, không quan tâm dến luật lệ, không nghĩ đến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho bản thân hoặc cho người khác. Lạc quan đến nỗi lúc nào cũng nghĩ mình là một ông trời con tha hồ kêu mưa gọi gió, tiếm chức lộng quyền… Những kiểu lạc quan nầy có lẽ cần phải ngưng bớt lại. Tiếng cười cũng vậy. Ông bà ta vẫn hay nói ăn coi nồi ngồi coi hướng, cười cũng cần đúng lúc đúng nơi. Giữa những chốn tôn nghiêm như đền chùa tông miếu, những giờ phút trang trọng của hội, lễ, hoặc những nơi đang xảy ra nạn tai, tang chế thì dù có gặp việc “mắc cười” đến mấy cũng phải cố nén lại. Đó cũng là tránh những cái cười vô duyên mà cụ Vĩnh đã chê trách. Ngoài ra, những nụ cười cay độc, cười châm biếm hoặc cười khinh miệt, dè biểu không xuất phát từ sự lạc quan hoặc tình thương, không dẫn đến hạnh phúc và sự hoà hợp cũng không phải là những cái cười đáng khuyến khích.

»»  read more





Lương Y VÕ HÀ
Ngủ Tâm Trạm Trang Công là một phương pháp khí công đứng tùng tĩnh bao gồm một số động tác đơn giản, dễ thực hành, phối hợp giữa thổ nạp khí và quán tưởng ngủ tâm tương ứng. Ngoài khử trược lưu thanh và tăng cường nội khí phương pháp nầy đặc biệt có tác dụng làm êm dịu thần kinh và giải trừ tác động của Stress trên cơ thể.

Thông qua tứ chi, vận động cơ bắp trong công việc hàng ngày ngoài việc mang lại hiệu quả trong lao động sản xuất phục vụ con người còn có ý nghĩa kiện thân phòng bệnh rất quan trọng. Đó là thúc đẩy khí huyết lưu thông. Y học cổ truyền cho rằng tứ chi và việc lưu thông khí huyết có liên quan chặt chẻ với nhau và do tạng Tỳ chi phối. Nội kinh ghi "Tỳ chủ tứ chi và cơ nhục" và "Tỳ thống huyết". Ngoài ra, bàn tay bàn chân còn là nơi tụ hội của 12 kinh chính Thủ Tam Âm, Thủ Tam Dương và Túc Tam Âm, Túc Tam Dương. Do đó về mặt khí công chữa bệnh nếu ta có thể làm cho khí huyết thông đạt ra tứ chi cũng đồng nghĩa với làm cho khí huyết đi khắp kinh lạc và vận hành khắp cơ thể. Đối với y học châm cứu huyệt Lao cung thường được tác động để thanhTâm hoả, trừ thấp nhiệt trong các chứng bứt rứt phiền muộn, viêm nhiệt thuộc Tâm, Vị; Huyệt Dũng tuyền thường được tác động để bổ âm, giáng hư hoả, định thần chí. Tập trung tư tưởng (tức tâm nhãn hay tâm ý) đồng thời vào hai huyệt Lao cung (hai lòng bàn tay) và hai huyệt Dũng tuyền (hai lòng bàn chân) được gọi là ngủ tâm tương ứng nhằm đạt được những hiệu quả trên. Trên thực tế công phu tập trung tư tưởng đồng thời vào các huyệt Lao cung và Dũng tuyền có thể điều hoà thần kinh, giúp nội khí vận hành ra tay chân, thúc đẩy khí huyết lưu thông ra ngoại biên. Tác dụng nầy tăng cường vệ khí và cải thiện tuần hoàn huyết trong nhiều bệnh về tim mạch, phong thấp, thấp khớp …đặc biệt là các chứng mất ngủ, rối loạn thần kinh giao cảm, cao huyết áp và những trường hợp đau nhức, tê mõi thuộc tay chân, bàn tay, bàn chân. Mặt khác trong tĩnh công dưỡng sinh cũng như trong động công võ thuật, bên cạnh những đại huyệt trên hai mạch Nhâm Đốc, lòng bàn tay lòng bàn chân cũng là những vị trí rất quan trọng có tác dụng thu, phát và giao hoà giữa nội khí và Thiên, Địa khí của vũ trụ bên ngoài. Do đó điểm tập trung quán tưởng trong công pháp nầy đặc biệt phát triển hiệu quả của những huyệt Lao cung và Dũng tuyền để tăng cường nội khí cũng như xã bỏ trược khí cho nhu cầu dưỡng sinh chữa bệnh
ĐỊNH VỊ HAI HUYỆT LAO CUNG VÀ DŨNG TUYỀN:
Lao cung nằm trên lòng bàn tay ở vị trí giao điểm giữa đường tâm đạo và đường thẳng dọc khe giữa hai ngón áp út và ngón giữa (H.1). Dũng tuyền ở chỗ lõm dưới lòng bàn chân tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn thẳng nối từ đầu ngón chân thứ hai đến bờ sau của gót chân (H.2).
DỰ BỊ THỨC: Đứng tự nhiên, hai chân dang rộng bằng vai.Bụng hơi thót lại. Lưng thẳng. Vai hơi thu vào. Hai cánh tay
thả tự nhiên dọc hai bên thân, buông lõng
cánh tay và khuỷu tay. Hai mắt hơi nhắm.
Miệng khép hờ. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu
răng trên
ĐAN ĐIỀN TAM HƯ TỨC (ba lần hà hơi từ Đan điền): Sau khi đứng tự nhiên, buông bỏ mọi tạp niệm, nhẩm đọc ý nghỉ yên tỉnh, buông lõng vài lần. Hít vào, hơi phình bụng ra. Trong khi hít vào nghỉ rằng một luồng "thiên khí" từ bên ngoài thông qua đỉnh đầu chảy vào cơ thể, tràn ngập vùng bụng dưới. Có thể áp hai bàn tay vào vùng dưới rốn để gia tăng tác dụng ám thị và dễ có cảm giác tụ khí tại đây. Thở ra từ từ hóp sát bụng vào. Thở ra từ từ, chậm, nhẹ đều, trong khi thở ra nghỉ rằng tất cả ưu tư, căng thẳng và khí bệnh đang theo hơi thở thoát hết ra khỏi cơ thể. Lập lại động tác nầy ba lần. Cách thở nầy giúp xoa bóp nội tạng, thúc đẩy chức năng hấp thu, tiêu hoá, phát sinh nội khí ở Đan điền và đưa cơ thể tiến vào trạng thái khí công. Đặc biệt thì thở ra chậm và dài có công năng làm êm dịu thần kinh và hoá giải Stress.

ĐAN ĐIỀN TAM KHAI HỢP (ba lần đóng mở tại Đan điền) : Hai tay đưa lên ngang nhau phía trước bụng, hai bàn tay đối nhau. Thở ra trong khi từ từ kéo hai bàn tay lại gần nhau cho đến khi cách nhau khoảng 20cm (H.3). Hít vào trong khi từ từ đẩy hai bàn tay ra xa đến vừa khỏi hai bên thân, hai bàn tay vẫn ngang nhau và đối nhau. Lập lại động tác hít thở cùng với kéo vào đẩy ra giữa hai bàn tay 3 lần. Trong khi hít thở hãy tập trung "lắng nghe" cảm giác tê, nặng hoặc ấm nóng ở các ngón tay hoặc lực hút nhau giữa hai lòng bàn tay. Đó chính là biểu hiện của khí, thường được gọi là khí cảm. Sau 3 lần thở ra hít vào, đưa hai tay trở về vị thế ban đầu dọc hai bên thân. Thở tự nhiên. Đan điền tam khai hợp có thể kích hoạt khí ở Đan điền vận hành, tăng cường lưu thông khí huyết giúp phát huy tác dụng của ngủ tâm tương ứng ở phần sau.
NGỦ TÂM TƯƠNG ỨNG : Đứng tùng tỉnh tự nhiên như ở tư thế dự bị. Hai bàn tay tựa nhẹ vào hai bên hông, bàn tay hơi chếch về phía trước, các ngón tay hơi chút xuống. Thở tự nhiên. Dùng ý quán tưởng hai huyệt Lao cung ở lòng bàn tay thông xuống hai huyệt Dũng tuyền ở hai lòng bàn chân (H.4). Huyệt Lao cung bên phải thông với Dũng tuyền bên phải. Huyệt Lao cung bên trái thông với huyệt Dũng tuyền bên trái. Mỗi lần thực hành từ 15 phút trở lên.
THU CÔNG : Khởi ý niệm thu công. Giữ nguyên thế đứng buông lõng tự nhiên. Hai bàn tay thu lại để ngữa trước bụng dưới, các ngón tay đối nhau, cách nhau khoảng 3cm. Từ từ nâng hai bàn tay lên, hít vào. Khi lên đến gần ngang vai thì lật hai bàn tay úp lại và từ từ đưa hai bàn tay xuống dần đến quá rốn, thở ra đồng thời quán khí toàn thân trở về Đan điền (H.5). Làm liên tiếp 3 lần.
LƯU Ý :
Một số người chưa quen ngồi thiền, không quen "thủ ý" có thể cảm thấy khó khăn khi quán ngủ tâm tương ứng vì ở công pháp nầy có vẽ như có đến 4 điểm cần thủ ý. Vì có đến 4 điểm nên phương pháp nầy thiên về quán tưởng hơn là thủ ý. Quán tưởng cần liên tục để bài trừ tạp niệm nhưng không quá tập trung để tinh thần được thoải mái.
Quán tưởng một bông hoa đẹp, một đồng cỏ xanh, một bãi biển nhấp nhô sóng nướccũng là một đặc điểm của Trạm trang công. Ở đây là quán cảnh 2 luồng khí từ hai huyệt Lao cung thông xuống hai huyệt Dũng tuyền. Trường hợp nầy người tập có thể làm quen với một bên trước. Khi đã quen với mỗi bên sẽ quán tưởng cùng lúc cả hai bên.
Hai cương lĩnh quan trọng của công pháp nầy là tùng tĩnh và ngủ tâm tương ứng. Do đó có thể thay tư thế đứng bằng tư thế ngồi trên ghế, hai chân chạm đất miễn sao bảo đảm được yêu cầu buông lõng, thu vai, lưng thẳng, bụng hơi thót lại (H.6). Cũng vì lẽ nầy người tập có thể tự điều chỉnh vị thế của bàn tay. Nếu ở tư thế đứng cùi tay có thể tựa thành ghế (H.7), nếu ngồi cùi tay có thể chạm đầu gối hoặc tựa vàohai bên đùi; bàn tay có thể xê dịch qua lại, lên xuống hoặc hơi nghiêng sao cho bảo đảm được yêu cầu buông lõng phần vai và cánh tay lại có thể dễ dàng quán sát luồng khí từ Lao cung xuống Dũng tuyền. Không nên chọn tư thế nằm vì ở tư thế nầy tâm nhãn và tứ tâm còn lại cùng nằm trên một mặt phẳng ngang nên có thể xảy ra khuynh hướng "nhìn" từ Dũng tuyền lên Lao cung thay vì phải ngược lại nhìn từ Lao cung xuống Dũng tuyền. Điều nầy có thể dẫn đến khí nghịch, không có lợi cho người có huyết áp cao.

Khi luyện tập có hiệu quả, trước hết người tập sẽ cảm nhận được hai luồng khí từ Lao cung chạy xuống Dũng tuyền. Sau một lúc, có thể là 5 phút, 10 phút hay hơn nữa tuỳ công lực của mỗi người, luồng khí sẽ chuyển ngược lại từ Dũng tuyền lên Lao cung mặc dù người tập vẫn chỉ tập trung quán chiếu từ Lao cung xuống Dũng tuyền. Đây không phải là khí nghịch mà là một hiệu ứng tự nhiên theo quy luật cực Dương sinh Âm và cực Âm sinh Dương. Lao cung là Hoả huyệt của đường kinh Tâm bào. Dũng tuyền là Tĩnh huyệt của đương kinh Thận. Việc thăng giáng qua lại giữa Lao cung và Dũng tuyền tạo ra hiệu quả thăng giáng giao hoà tương ứng giữa Tâm và Thận cũng như giữa Đan điền và Đãn trung tức hiện tượng Thuỷ Hoả ký tế mà các đạo gia và y gia thời cổ đã miêu tả ở một cơ thể khoẻ mạnh. Mặt khác do tính chỉnh thể của hoạt động khí hoá, khí đi xuống từ huyệt Lao cung cũng có tác dụng giáng khí và thu Thiên khí từ Bách hội. Ngược lại đến giai đoạn sinh Âm khi khí Âm từ huyệt Dũng tuyền thăng lên sẽ tác động làm cho Địa khí thăng lên từ hai huyệt Trường cường và Hội âm. Do đó công phu ngủ tâm tương ứng cũng tác động vào cả hai mạch Nhâm và Đốc để tăng cường chân khí, tăng cường sức đề kháng và cải thiện toàn bộ công năng của các tạng phủ./.
»»  read more